Có mặt tại Khoa Điều trị Bệnh viện Huyết học - Truyền máu Cần Thơ,ĐBSCLthiếumáuđếnbaogiờnội bài tiếp xúc với những bệnh nhân mỏi mòn chờ truyền tiểu cầu hay những bệnh nhân đang cố bám trụ chờ máu để phẫu thuật, mới thấu cảnh thiếu máu ảnh hưởng nghiêm trọng như thế nào.
Mới đây nhất, chiều 18.10, tại Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ, một ca hậu phẫu thuật tim có chỉ định truyền tiểu cầu AB khẩn, nhưng gõ cửa Ngân hàng máu, tiểu cầu đã hết sạch, cầu cứu tuyến trên TP.HCM tiểu cầu cũng không còn. Cả đêm xoay xở khắp nơi, đến sáng 19.10, bệnh viện mới vay được 2 kít tiểu cầu từ Kiên Giang để cứu bệnh nhân qua cơn nguy kịch.
Có thể nói, chưa bao giờ các bệnh viện ở ĐBSCL lại gặp khó vì thiếu máu như lúc này. Hàng loạt bệnh viện lớn nhỏ, hoạt động trong nỗi lo phập phồng thiếu máu cứu bệnh nhân. Hầu hết bệnh nhân có chỉ định mổ theo chương trình buộc phải trì hoãn chờ máu hoặc chuyển lên tuyến trên.
Điều đáng nói là tình trạng thiếu máu trên không phải vì không có người hiến máu mà vì hết túi đựng máu, hóa chất để sản xuất máu, nguyên nhân là do công tác đấu thầu vật tư, hóa chất kéo dài đến khó hiểu. Đây cũng không phải chuyện mới bởi tình trạng thiếu thuốc, vật tư, hóa chất từng là khó khăn chung của ngành y tế cả nước.
Để tháo gỡ khó khăn này, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 30/NQ-CP ngày 4.3.2023 với những quy định cần thiết, mang tính "cấp cứu" cho ngành y tế, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho công tác đấu thầu, mua sắm vật tư, y tế… Nhưng gần 1 năm trôi qua, ngành y tế TP.Cần Thơ vẫn loay hoay với những vướng mắc.
Nhiều bệnh viện trên địa bàn vẫn chưa thể thực hiện được các gói thầu mua sắm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác chuyên môn. Riêng Bệnh viện Huyết học - Truyền máu Cần Thơ từ cuối năm 2022 đã thực hiện hồ sơ gói thầu 394 mặt hàng, tổng giá trị gần 150 tỉ đồng, nhưng đến nay vẫn "vướng" 47 mặt hàng chỉ vì thủ tục rườm rà, thiếu linh hoạt. Hệ lụy là cả miền Tây thiếu máu kéo dài bởi lẽ có mua đủ 347 mặt hàng đã phê duyệt nhưng thiếu 47 mặt hàng còn lại thì hoạt động sản xuất máu vẫn chẳng thể diễn ra.
Sau văn bản "cầu cứu" mới nhất của Bệnh viện Huyết học - Truyền máu TP.Cần Thơ, lãnh đạo TP.Cần Thơ cũng đã họp khẩn để tiếp tục tháo gỡ khó khăn. Nhưng câu hỏi: Bao giờ Bệnh viện Huyết Học - Truyền Máu Cần Thơ có đầy đủ túi máu, hóa chất để bảo đảm nhiệm vụ tiếp nhận, sản xuất, cung cấp máu cho ĐBSCL thì vẫn chưa có câu trả lời.
Khi chưa có câu trả lời, chắc chắn người bệnh còn chịu khổ. Vì thế, dù lý do gì, tình trạng trên phải được giải quyết ngay mà không thể trì hoãn thêm nữa! Không thể để thiếu máu ở ĐBSCL!