Cuộc đình công của Liên đoàn Lao động ôtô Mỹ (UAW) đã kéo dài 3 tuần tại "thủ phủ" sản xuất ôtô Mỹ - Detroit,áchthứcbủavâythủphủsảnxuấtôtôMỹvàng hôm nay nơi đặt nhà máy của "Big Three" ngành xe hơi gồm General Motors (GM), Ford Motor và Stellantis (trước đây là Fiat Chrysler Automobiles). Tình hình leo thang khi một số công nhân phá hoại các công cụ sản xuất tại hai nhà máy thuộc sở hữu của GM và Ford.
Trong khi đó, vẫn có ít dấu hiệu tiến triển trong các cuộc đàm phán của UAW với các nhà sản xuất ôtô ở Detroit. Phía giới chủ cho rằng các yêu cầu của Liên đoàn là không thể chấp nhận được.
Tổng thống Biden đứng về phía ủng hộ UAW thì các nhà sản xuất ở Detroit lại nhận được sự ủng hộ của đối thủ Elon Musk. Phát biểu trên X (trước đây là Twitter), CEO Tesla cho rằng việc yêu cầu tăng lương 40% và làm việc 32 giờ mỗi tuần là "cách chắc chắn để GM, Ford và Chrysler nhanh chóng phá sản".
Không rõ đề nghị mới nhất của UAW ở mức nào nhưng theo thông tin gần nhất WSJnắm được là khoảng giữa 30% và 40%. Nếu mức tăng là 35% thì mỗi hãng xe phải tốn thêm 2 tỷ USD chi phí hoạt động hàng năm, hoặc hơn 1% doanh thu. Chịu tác động lớn nhất sẽ là Ford vì sử dụng nhiều công nhân UAW nhất và thấp nhất đối với Stellantis - công ty có phạm vi hoạt động toàn cầu hơn.
Nhưng tăng lương không phải là điều duy nhất UAW mong muốn. Theo phân tích của tập đoàn tài chính Wells Fargo, khoản tốn kém nhất trong yêu cầu chính là tuần làm 32 giờ nhưng tính lương 40 giờ, điều mà Musk cũng phản đối.
Yêu cầu bất thường này được giới quan sát cho rằng là một quan điểm cực đoan trong đàm phán hơn là tham vọng thực tế. Cộng với những yêu cầu khác, Wells Fargo cho rằng các điều khoản UAW đưa ra sẽ làm giảm tối đa 2 điểm phần trăm biên lợi nhuận của ngành ôtô, chứ không đến mức khiến doanh nghiệp tê liệt.
Tuy nhiên, một thách thức thậm chí còn lớn hơn áp lực hiện tại của UAW đang phủ bóng Detroit. Đó chính là tương lai của họ trước xu hướng xe điện. Trong khi những chiếc xe bán tải và xe thể thao đa dụng truyền thống mà Detroit đang sản xuất có đủ lợi nhuận để đáp ứng phần lớn yêu cầu từ UAW, thì những chiếc xe điện của họ thậm chí không đủ trang trải mức lương công nhân, đừng nói đến phải tăng thêm theo đàm phán.
Báo cáo quý II của Ford Model e - công ty con chuyên phụ trách xe điện của Ford - ghi nhận lỗ 1,8 tỷ USD trong nửa đầu năm nay. Trung bình mỗi chiếc F150 Lightnings và Mustang Mach E bán ra lỗ 32.000 USD. Mảng xe điện của hãng này dự kiến lỗ 4,5 tỷ USD cả năm nay, gấp đôi mức 2,1 tỷ USD vào năm 2022.
Ford dự kiến sản xuất 600.000 xe điện mỗi năm vào 2024 và bắt đầu sản xuất xe điện thế hệ thứ hai năm 2025. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ con đường nào để xe điện ra đời tại Detroit có thể đạt được lợi nhuận tương tự như các sản phẩm xe chạy bằng động cơ đốt trong của họ.
Con đường nhanh nhất để đạt được tỷ suất lợi nhuận EV cao hơn - như Tesla đã làm - là tìm kiến sự hỗ trợ của Trung Quốc. Ford muốn cấp phép cho công nghệ pin giá rẻ của Trung Quốc nhưng vấp phải sự phản đối ở Washington. Tuần trước, Ford cho hay đã tạm dừng xây dựng nhà máy pin trị giá 3,5 tỷ USD ở Michigan.
Nguyên nhân là Nhà Trắng chưa quyết định liệu có nên loại Ford khỏi ưu đãi xe điện hay không. Theo gói ưu đãi do ông Biden ký, các nhà sản xuất phải đảm bảo chuỗi cung ứng không có yếu tố Trung Quốc.
Cuộc trở mình sang xe điện của Detroit dự báo còn gian nan. Gần đây, vì thua lỗ nặng nề, Ford cho biết sẽ giảm tốc độ tăng trưởng sản xuất xe điện. Trong khi, đối thủ Tesla vẫn đang đà tiến lên. Vào tháng 7, Tesla báo cáo lợi nhuận quý II tăng 20%, ngay cả sau khi giảm giá bán.
Chi phí lao động của các công ty ở Detroit, bao gồm tiền lương và phúc lợi, ước tính trung bình là 66 USD một giờ, trong khi Tesla chỉ tốn 45 USD. Công ty này không có tổ chức công đoàn và mới được thành lập cách đây 20 năm.
Wells Fargo ước tính việc đáp ứng tất cả yêu cầu UAW sẽ đẩy chi phí lao động trung bình mỗi giờ lên 136 USD cho các công ty ở Detroit. "Thủ phủ" sản xuất ôtô Mỹ có thể càng lép vế hơn khi hồi tháng 3, Musk tiết lộ kế hoạch phát huy lợi thế công nghệ để cắt giảm 50% chi phí sản xuất cho các mẫu xe thế hệ tiếp theo.
Ngoài ra, điểm khác biệt chính giữa lương thưởng của nhân viên Tesla và lương của nhân viên UAW xoay quanh sự phát triển của công ty. Công nhân UAW nhận tiền thưởng chia sẻ lợi nhuận, trong khi công nhân Tesla nhận quyền chọn mua cổ phiếu, vốn không gây ra chi phí tiền mặt trực tiếp cho Tesla. Trong những năm qua, cổ phiếu Tesla đã tăng nhanh dù có những giai đoạn biến động.
Và khi Ford đang đàm phán ở cả hai mặt trận với UAW và chính phủ, thì ẩn số lớn nhất là chưa rõ người Mỹ sẽ đón nhận xe điện nhanh đến mức nào, nhất là với dòng xe bán tải và thể thao đa dụng cỡ lớn, vốn là sản phẩm chủ lực của Detroit.
Thị trường xe điện phân khúc này vẫn còn rất sơ khai. Theo đó, F-150 Lightnings chỉ chiếm 2% tổng doanh số bán hàng của dòng F trong 8 tháng đầu năm nay. Rivian, công ty khởi nghiệp xe điện chuyên tập trung vào SUV dự kiến chỉ sản xuất 52.000 xe trong năm 2023. Trong khi, Tesla vẫn chưa bán Cybertruck.
Phiên An(theo WSJ)